|
|
Dạ tiệc chào đón các vị khách quý cùng chương trình biểu diễn truyền thống của Hàn Quốc đã diễn ra tại Gyeonghoeru, Gyeongbokgung. Gyeonghoeru là đình nổi nằm trong Gyeongbokgung, nơi đây từng là địa điểm tổ chức yến tiệc dưới thời Joseon.
Gyeonghoeru được xây dựng từ năm 1395 là năm thứ sáu của triều đại Joseon, 3 năm sau khi Gyeongbokgung ra đời. Ban đầu Gyeonghoeru là đình nhỏ trên một khu đất nổi trên chiếc hồ hình chữ nhật. Về sau đến năm 1412, Vua Taejong đã mở rộng hồ sen và gia cố thêm trụ đá, tạo thành tòa kiến trúc vững chắc. Gyeonghoeru được công nhận là di sản quốc gia số 224, một khối kiến trúc mang thiết kế thể hiện tính cân bằng, đối xứng hoàn hảo. Dưới thời Joseon, Gyeonghoeru còn được dùng làm nơi tiếp đãi các sứ thần nước ngoài.
Chương trình du lịch lấy bối cảnh là toàn bộ khu đình, thể hiện sự tuyệt mỹ bằng ánh sáng và đèn lazer, trình diễn âm nhạc và biểu diễn nghệ thuật truyền thống Hàn Quốc, giới thiệu đến người xem lịch sử của Gyeongbokgung và Gyeonghoeru. Các vị quan khách thưởng thức chương trình từ phía đối diện của hồ sen.
Chương trình gồm 2 phần, mở đầu bằng câu chuyện lịch sử lập ra triều đại Joseon và việc xây dựng Gyeongbokgung.
Chủ đề của phần 1 là tái xây dựng đình Gyeonghoeru và việc tiếp đãi các sứ thần tại đình. Sau bài múa quân binh, vua và hoàng hậu xuất hiện và thực hiện nghi lễ.
Tiếp theo đó, nghệ sỹ Go Jin Ho đem đến phần trình diễn độc tấu Daegeum bản nhạc biến tấu từ giai điệu truyền thống mang tên “Tunes of High Sounds” với âm vực cao và âm thanh trong vắt. Nghệ sỹ Go Jin Ho đã biểu diễn tại Gyeonghoeji là bãi đất nổi nằm trên hồ sen được bao quanh bởi những cụm cây được chiếu sáng với nhiều màu sắc.
Sau đó, đoàn Jeongjae biểu diễn hai bài múa “Peony Dancers” và “Joy of Boating”. “Peony Dancers” là điệu múa cung đình với 20 diễn viên múa chia thành nhóm, biên đạo động tác vui đùa với hoa mẫu đơn thành bài múa mang ý nghĩa cầu chúc cho sự trường tồn của nhà vua và sự phồn thịnh của đất nước. Bài múa thứ hai mang tên “Joy of Boating”, nghệ sỹ múa kéo theo con thuyền được tô vẽ nhiều màu sắc rồi cầm lấy dây, xoay quanh chiếc cột và cất bài ca về người đánh cá. “Bài ca ngư phủ” là bản nhạc truyền thống được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Hàn Quốc số 41.
Phần sau của chương trình biểu diễn là sân khấu kỷ niệm sự kiện xây dựng lại Gyeongbokgung vào năm 1867. Trải qua 270 năm sau khi các kiến trúc bị phá hủy trong thời Nhật chiếm đóng, sự kiện này mới diễn ra.
Bắt đầu vào bài diễn, con thuyền chở nữ danh ca Pansori An Sook Seon xuất hiện. Pansori là loại hình nghệ thuật với 1 hoặc 2 người hát, trong đó có hàm chứa câu chuyện, biểu diễn kết hợp cùng loại trống Janggu là nhạc cụ có hình dáng giống chiếc đồng hồ cát. Hiện nay chỉ còn llưu giữ được 5 bài ca Pansori truyền thống. Và bài “Sugungga” mà danh ca An Sook Seon thể hiện là bài ca dâng lên hoàng đế Gojong mừng sự kiện xây dựng lại Gyeonghoeru. Bài ca kể câu chuyện Long Vương phải tìm gan loài Thỏ để chữa trị bệnh tình, nhưng Thỏ đã dùng trí khôn của mình để đánh lừa Long vương và sống sót trở về.
Đoàn Jeongjae tiếp diễn với tiết mục “Moogo”. “Moogo” có nghĩa là múa trống, là bài ca thể hiện tiếng trống thôi thúc, dồn dập đánh thức tự nhiên, làm đâm chồi nảy nộc nơi mặt đất đang đóng băng trong mùa đông lạnh giá. Nghệ sỹ lừng danh Kim Hye Ran và các học trò của mình đã có bài diễn tiếp sau đó là bài dân ca Gyeonggi. Đặc biệt, bài ca Gyeongbokgung do những người công nhân tham gia xây dựng trong thời kỳ dựng lại Gyeongbokgung truyền lại đã tạo hứng khởi cho chương trình.
Đoàn Namsadang Baudeogi Pungmuldan từ Anseong đã kết thúc chương trình biểu diễn với tiết mục đi dây. Các nghệ sỹ làm xiếc trên dây còn vua và hoàng hậu cũng đứng dậy khỏi chỗ để xem tiết mục này. Sau khi tất cả các tiết mục kết thúc, toàn bộ nghệ sỹ tham gia chương trình đều lên sâu khấu, đứng ở vị trí thấp hơn vua và hoàng hậu để gửi lời chào cảm ơn đến quan khách. Quan khách cũng vừa đi bộ ra, vừa ngắm cảnh đêm trong khối kiến trúc truyền thống và không gian cung đình.
Geunjeongjeon, trung tâm của khối kiến trúc Gyeongbokgung
Cung Changdeokgung cũng tổ chức một chương trình ngoại lệ khi diễn ra nhiều lần trong năm là “Nhật ký ánh trăng”. Toàn bộ du khách được ngắm nhìn cung đình bao trùm trong bóng tối và rồi rời gót ra khu vườn bí mật để thưởng thức âm nhạc truyền thống. Dự kiến chương trình “Nhật ký ánh trăng” sẽ được thực hiện liên tục từ tháng 4 đến tháng 10.
Changdeokgung được xây dựng năm 1412 thời Vua Taejong, chưa đầy 20 năm sau khi Gyeongbokgung được ra đời. Cho đến năm 1872 khi Gyeongbokgung được xây dựng lại, Changdeokgung là tài sản thuộc chính phủ. Sau khi sát nhập bởi Nhật Bản, đây là nơi ở của vị vua cuối cùng triều Joseon, hoàng đế Gojong cho đến cuối đời là năm 1919. Đến năm 1989 Changdeokgung là nơi cư trú của hoàng thất, và công chúa Bangja là người cuối cùng ở nơi đây. Kiến trúc của Changdeokgung tuy không mang tính đối xứng như các công trình cung điện khác nhưng lại là nơi có sự hài hòa với thiên nhiên. Changdeokgung bỏ qua tính đối xứng đặc trưng trong nền tảng kiến trúc cung đình mà đem lại nhiều sự biến đổi cho hình thái kiến trúc Hàn Quốc, vườn trong cung điện, phong cảnh.
“Nhật ký ánh trăng” bắt đầu từ Donhwamun.
Du khách có những trải nghiệm lý thú tại nơi ở của công chúa Bangja từ năm 1963 đến năm 1989 là Nakseonjae.
Ngay khi du khách bước vào đến vườn, bản độc tấu Gayageum cất lên. Chuyến du hành Changdeokgung khép lại bằng chương trình biểu diễn khoảng 1 tiếng tại sân khấu biểu diễn Yeongyangdang.
Tiết mục đầu tiên tại Yeongyangdang là âm thanh từ các nhạc cụ truyền thống như trống janggu, đàn dây.
Tiếp đó là điệu múa cung đình “Chunaengcheon” mô tả những chuyển động duyên dáng. Chunaengcheon được truyền lại là do Thái tử Hyo Myeong sáng tác trong những rung cảm khi nhìn thấy loài sơn ca hát ca trên cành cây vào buổi sớm mai. Bài biểu diễn với những động tác chậm nhưng có thể thấy được người nghệ sỹ thể hiện những động tác khó như thế nào, với những nụ cười duyên dáng ra sao.
Chunaengjeon
Sau đó là độc tấu Daegeum của nghệ sỹ Kim Bang Hyeon. “Daegeum Sanjo” biểu diễn cùng trống Janggu là bản nhạc được viết vào năm 1920 và truyền lại đến ngày nay. Tiết mục cuối cùng là bản song ca “Sarangga” trong vở Pansori nổi tiếng “Chunhyangga”. Nghệ sỹ trống Janggu nhấn nhá thêm bằng những lời chuimsae ngắn gọn, người xem cũng hòa theo lời hát tạo nên sự hứng thú cho bài diễn. Tham gia chương trình này là anh Burnett, chủ một blog khi được hỏi đã trả lời “Tôi đã xem nhiều chương trình biểu diễn tại Hàn Quốc nhưng đây là lần đầu tiên tôi được đến với một sân khấu thể hiện được vẻ đẹp và tính truyền thống như vậy” và “Có cảm giác như mọi điều trong quá khứ đang sống dậy rất sinh động”.
Sau chương trình biểu diễn, khách tham quan lại đi qua khu vườn dưới ánh trăng bồng bềnh và quay lại Donhwamun.
Với chương trình tại Gyeongbokgung và Changdeokgung, khách tham quan trong và ngoài nước sẽ được thấy lại thời hoàng kim của triều đại cuối cùng, triều Joseon.
Bài Jon Dunbar |
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
- Văn hóa và chính sách Hàn Quốc được giới thiệu qua Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân
- Đa dạng các sự kiện văn hóa chào mừng Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân
- Triển lãm Quốc tế Yeosu đang nhận được sự quan tâm của đông đảo truyền thông ngoài nước
- Khai trương Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc đầu tiên ở khu vực Trung Mỹ, tổ chức các hoạt động kỷ niệm thiết lập
- Sức mạnh và vẻ đẹp thủ công mỹ nghệ truyền thống Hàn Quốc